Cùng với sự phát triển nở rộ của ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quầy bar.., nhu cầu tuyển dụng những vị trí như lễ tân, đầu bếp, pha chế cocktail (bartender) vì thế mà “rầm rộ” hơn.
Chân dung 1 bartender
Bartender là danh từ để chỉ những người pha chế (chủ yếu là cocktail) ở quầy bar. Một bartender điển hình thường làm việc với rượu, hoa quả, chai, bình lắc rượu và ly. Nói là nghề pha chế, nhưng một bartender thường phải thành thục các ngón nghề biểu diễn bình shaker – một loại dụng cụ được coi là “vật bất ly thân” với bartender.
Bartender giỏi là người có thể thuộc nằm lòng các công thức pha chế chuẩn nhiều loại cocktail, “diễn” quá trình pha thành một cuộc chơi tung hứng đầy nghệ thuật và bắt mắt với những chiếc ly, chai và cốc…Ngoài ra, bartender còn phải nhớ sở thích của các khách hàng khác nhau và phải biết cách tạo bầu không khí vui nhộn, biết cách giao tế khéo léo với khách hàng tại quầy bar.
Nghề bartender ở Việt Nam
Đang trở nên thịnh hành với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các bar, khách sạn và nhà hàng lớn với thực khách đa phần là người nước ngoài. Nhu cầu về nghề bartender trở nên “nóng” hơn bao giờ hết với con số có khi lên đến hơn 600 tại các trang web tìm kiếm việc làm.
Nóng ở đây có 2 lý do. Thứ nhất là “nóng” do nhu cầu thực sự của các nhà hàng, khách sạn, quán bar. Thứ hai là do có quá ít bartender thành thục và chuyên nghiệp ở Việt Nam. Hiện có khá nhiều bạn trẻ theo học các khoá đào tạo bartender nhưng số lượng người thành công không có nhiều.
Minh chứng cho điều này, tại cuộc thi bartender được tổ chức năm 2007, giới chuyên gia nhận xét: “Dù có sự góp mặt của các tay pha chế giỏi từ các khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Rex, Duxton.., các quán bar, café như Panorama… nhưng cũng khó tìm được một vài bartender có tay nghề vượt trội. Hầu hết bartender Việt Nam đều chưa thực sự thuần thục trong các pha tung hứng”.
Tuy nhiên, cũng có một vài gương mặt thành công được nhắc đến như những lão làng, Nguyễn Xuân Ra, Lê Đức Kim, trẻ hơn có Bùi Việt Chính của Bar Saigon Saigon- Khách sạn Caravelle, Phong của Seventeen Salon, Lê Trường Phát Đạt của Johny Walker, Nguyễn Văn Hào của khách sạn Rex, Nguyễn Hoàng Đức của khách sạn Continental… Dương Thị Thanh Tâm, khách sạn Majestic hay Lê Thị Minh Tâm của bar Seventeen…
Lãnh địa của Bartender đang đón chờ những bạn trẻ có lòng say mê và sẵn sàng chịu khổ luyện.
Những kỹ năng cần thiết.
– Kỹ năng pha chế: Chính là khả năng định lượng nguyên liệu cocktail sao cho ly cocktall có hương vị cân bằng; trình bày sản phẩm đạt yêu cầu tươi ngon, hấp dẫn. Phải thuộc nằm lòng tên gọi, cách phân biệt các loại rượu, các kiểu ly thích hợp cho từng thức uống khác nhau cũng như công thức pha chế từ đơn giản đến phức tạp các loại cocktail, mocktail, trà, café…
Không những thế, một bartender chuyên nghiệp còn phải hiểu sâu sắc những đặc tính mà rượu sẽ có được tuỳ theo thời gian và loại thùng chứa, sự tương tác giữa các loại rượu với nhau.
Một lý do nữa để Bùi Việt Chinh từ đoạt giải cuộc thi Bartender châu Á – Thái Bình Dương trở thành một Bartender chuyên nghiệp, là do anh có thể nhớ gần 100 loại cocktail mà người Việt Nam thường uống, và là bộ “từ điển sống” với khoảng 300 loại cocktail khác nhau.
– Kỹ năng biểu diễn: Là kỹ năng “khó nhằn” nhất đối với các bartender. Đây chính là ranh giới để phân biệt giữa một bartender chuyên nghiệp và một bartender bình thường. Phần đông bartender của Việt Nam chưa thành thục kỹ năng này cho lắm (thường đánh rơi dụng cụ pha chế, đáng văng cả những chai rượu tây đắt tiền).
Kỹ năng biểu diễn ở đây còn là việc giao tiếp với khách hàng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Và một bartender tài năng là người hướng dẫn người uống đi sâu tận hưởng các cung bậc hương vị và cảm giác, khám phá sức hấp dẫn của từng loại nguyên liệu khác nhau.
– Sự sáng tạo: Để tránh là bản sao y hệt nhau với những công thức pha chế truyền từ đời này sang đời khác, bartender phải là người luôn sáng tạo. Pha chế rượu không chỉ đơn thuần làm theo công thức. Công việc của một bartender đòi hỏi cả nghệ thuật lẫn kỹ thuật, phải sáng tạo không ngừng để tạo ra những thức uống ngon, lạ và giàu dinh dưỡng. Sự sáo mòn và cứng nhắc trong pha chế sẽ triệt tiêu “hồn” của các loại nguyên liệu phối hợp.
Dựa trên các nguyên liệu, bartender sẽ tìm cách phối hợp, “kết duyên” chúng với nhau và tưởng tượng ra mùi vị, hương thơm của ly rượu thành phẩm. Đôi khi một ý tưởng lạ về cách trang trí hoặc đơn giản chỉ là thêm bớt một thành phần nào đó khác với công thức truyền thống cũng có thể giúp tạo ra hương vị và cảm xúc thị giác mới mẻ cho những thức uống đầy màu sắc.
Sáng tạo cũng là cách để có thể tạo ra những loại nước uống mới phong cách của riêng mình, của nhà hàng. Một lý do quan trọng để Bùi Việt Chinh có thành công nổi bật trong giới bartender Việt Nam là do anh có trong tay khoảng 50 món cocktail “ruột” do chính mình tự pha chế, được khách hàng khen và một nửa trong số đó được niêm yết trong menu thức uống của Bar Saigon Saigon – Khách sạn Carevell.
– Khổ luyện và không ngừng học hỏi: Kinh nghiệm của bartender Bùi Việt Chinh chính là không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh và những người đi trước. Ông Edward Wong – người được mệnh danh là “vua pha chế cocktail”, quản lý nhà hàng Grípp American Bar (HongKong) nhận xét: “Chỉ có một con đường để bartender tiến xa trong nghề là khổ luyện. Không chỉ chú trọng kỹ năng pha chế các loại thức uống, bartender thực thụ phải tạo được không khí vui nhộn, biết cách giao tiếp khéo léo với khách hàng tại quầy bar. Điều này không phải dễ nếu như bạn không có ý thức tự rèn luyện”.
Với những bartender đã thành danh, dù đã “ra trường” từ lâu, nhưng họ vẫn thường quay lại lớp học của mình để tập luyện kỹ năng biểu diễn. Bùi Việt Chinh nói : “Hầu như anh em phải tập luyện hàng ngày, nếu bỏ là xuống tay ngay”. Nhiều bartender còn luôn kè kè bên mình túi xách bên trong đựng đầy các…vỏ chai. Đó chính là quyết để thành công!
Con đường nghề
Là một nghề thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nên bartender cũng được đào tạo bài bản trong các trường nghiệp vụ du lịch. Trước đây, đường vào nghề phổ biến nhất của các bartender thường là thông qua các mối quan hệ với người đi trước, do người quen giới thiệu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nghề bartender được rao tuyển công khai trên rất nhiều trang web giới thiệu việc làm, với mức lương rất “khả quan”.
Một số sinh viên tốt nghiệp khoá bartender có thể được chính trung tâm đào tạo giới thiệu việc làm , hoặc có thể tìm việc qua các kênh thông tin báo chí. Thời gian ban đầu, khi tay nghề chưa cao, các bartender có thể thực tập tại các nhà hàng, quán bar, vũ trường.
Quá trình làm việc trong thời gian này cũng chính là quá trình thực tập và nâng cao tay nghề. Khi tay nghề đã vững, bartender có thể mạnh dạn… khai thác mục tiêu cao hơn. Mục tiêu cao nhất của bất cứ bartender nào là được làm tại các nhà hàng, bar, khách sạn cao cấp. Để có thể tạo được uy tín cho chính mình, các bartender cần không ngừng học hỏi và luyện tập.
Học nghề đầu bếp ở đâu?
Bạn có thể học nghề này trực tiếp ở các nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ. Thời gian đầu tiên bạn sẽ là thợ học việc. Sau đó, bạn làm việc tại chính những nơi mình đã học nghề hoặc ở một nơi khác hoặc tự kinh doanh. Một số nơi đào tạo nghề bếp (chính quy và ngắn hạn) như:
– Trường TH Công nghiệp TPHCM (xét tuyển).
– Trường Hướng Nghiệp Á-Âu – TP. Hồ Chí Minh.
– Trường Quản Lý Khách Sạn Việt Úc (VAAC) – TP. Hồ Chí Minh.
– Trường Trung Cấp Nghề Du Lịch & Ngoại Ngữ Khôi Việt – TP. Hồ Chí Minh
Theo Tư vấn tiêu dùng