Ngành Ngân hàng và cuộc đua tìm kiếm nhân lực chất lượng cao

(hieuhoc_hieuhoc.com): Chỉ 10 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiếm sự ra đời của hàng loạt ngân hàng (NH) thương mại, NH liên doanh và chi nhánh của các NH nước ngoài. Điều này nói nên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đi vào tìm hiểu bên trong các NH, chúng ta thấy có rất nhiều đơn vị vẫn luẩn quẩn đi tìm câu trả lời cho nghịch lý: Trả lương cao nhưng đội ngũ nhân viên và quản lý vẫn thiếu trầm trọng. Và một cuộc cạnh tranh khốc liệt tranh giành nhân lực chất lượng cao đã diễn ra giữa các NH này.

Các NH đua nhau “chiêu mộ” nhân tài

Ngày nay, ở các đô thị chỉ cần đi ra người đường một lần là có thể nhìn thấy rất nhiều cái tên liên quan đến chữ “bank” (ngân hàng – NH), từ những tên cũ như Vietcombank, Sacombank, Techcombank, VietinBank, DongA Bank, AgriBank, ACB… đến các tên mới như VPBank, GPBank, EximBank, HDBank, NamA Bank, VietA Bank, Ficobank, BIDV, NH Phương Đông, NH Phương Nam, NH Mỹ Xuyên, NH Gia Định… Bên cạnh các NH trong nước đó, chúng ta còn thấy xuất hiện khá nhiều NH nước ngoài khác như HSBC, ANZ, TrustBank, MayBank, Commonwealth Bank, IBK, Fubon… Các NH liên doanh cũng ra đời và phát triển nhanh chóng như NH Việt – Nga, Việt – Thái, Lào – Việt…

Với sự nở rộ này, cuộc cạnh tranh ngầm giữa các NH trong việc “chiêu mộ” nhân tài ngày càng trở nên “nóng”. NH nước ngoài sẵn sàng trả lương cao từ 7.000-10.000USD/tháng cùng quyền lợi về cổ phiếu cho chức giám đốc, phó giám đốc chi nhánh để lôi kéo lao động từ các NH trong nước. Các NH nội địa lại áp dụng chính sách hấp dẫn không kém như 3,5 triệu đồng/tháng đối với người vừa tốt nghiệp và 10.000 USD/tháng cho các vị trí quản lý, chế độ đãi ngộ cao như mua nhà, mua cổ phiếu cho nhân viên; liên kết với các trường đại học, cao đẳng tổ chức ngày hội nghề nghiệp; hỗ trợ học bổng (chỉ tính riêng năm 2007, 16 ngân hàng đã tham gia tài trợ cho Đại học Ngân hàng 283 suất (1 triệu đồng/suất); săn lùng sinh viên giỏi mới tốt nghiệp với mức lương khởi điểm từ 5-7 triệu/tháng… Techcombank hàng năm có 2 đợt tuyển dụng nhân sự, đối tượng chủ yếu là những sinh viên năm cuối các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc khối Kinh tế và những ứng viên có kinh nghiệm làm việc tại các NH khác. NH Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) bắt đầu từ tháng 6 hàng năm đã thu nhận hồ sơ của sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp để đến tháng 9 tổ chức tuyển dụng. Cá biệt, có NH giao hẳn chỉ tiêu trong nội bộ, ai giới thiệu được một nhân viên mới sẽ được thưởng 5 triệu đồng, nếu mời được nhân viên “vip” tiền thưởng sẽ tăng gấp 4-5 lần. Mức lương của trưởng phòng giao dịch vào khoảng 15- 20 triệu đồng/tháng, của giám đốc chi nhánh khoảng 25- 30 triệu đồng/tháng. Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn có thể được hưởng mức lương trên 100 triệu đồng/tháng.

Vậy, NH và nghề NH là gì?

Mặc dù có thể kể tên ra rất nhiều NH như vậy nhưng không phải là ai cũng biết rõ cặn kẽ NH là gì và các công việc trong NH ra sao. Trong nội dung bài viết này, Hiếu Học xin cung cấp cho các bạn một số thông tin cơ bản về lĩnh vực này.

Bạn thử tưởng tượng xem:

Bạn có một khoản tiền nhàn rỗi mà chưa biết làm gì với nó.
Bạn có nhu cầu đầu tư cho một kế hoạch hay dự án nhưng chưa đủ tiền.
Bạn muốn thanh toán tiền cho việc mua một số đồ vật qua mạng internet.
Bạn muốn đổi ngoại tệ để đi nước ngoài (như đi du học chẳng hạn)

Bạn sẽ làm gì?

Câu trả lời chung cho cả bốn trường hợp trên là NH.
Giờ đây, những khái niệm như NH, tài khoản, lãi suất, tiền gửi, tỷ giá hối đoái… đã trở nên tương đối quen thuộc đối với mỗi chúng ta.

Có thể nói mọi hoạt động kinh tế liên quan đến tiền tệ như tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, chứng khoán, ngoại hối…. đều ít nhiều có sự góp mặt của NH. Trên thực tế, hệ thống NH đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là hội nhập với kinh tế khu vực và trên toàn thế giới.

Bạn có thể hiểu đơn giản về NH như sau: NH là một tổ chức trung gian tài chính, được phép nhận tiền gửi để cho vay và cung ứng dịch vụ thanh toán và các dịch vụ khác. Trong đó, hoạt động chính của NH là kinh doanh tiền tệ, tức đi vay để cho vay lại.

Cũng như các tổ chức kinh doanh hoạt động trên cơ sở thu lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá mua thấp hơn và giá bán ra cao hơn, NH thực hiện việc kinh doanh của mình với một loại hàng hóa đặc biệt: đồng tiền.

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của nền kinh tế, họat động của NH ngày nay không chỉ dừng lại ở việc đi vay rồi cho vay lại và thu lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất. NH thương mại được coi như một trung gian thanh toán giữa người bán và người mua dựa trên tài khoản tại NH.

Đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống NH chính là chiếc cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác kinh doanh với các đối tác trên toàn cầu, qua đó thúc đẩy ngoại thương không ngừng mở rộng.

Với vị trí quan trọng như vậy, NH được coi là hệ tuần hoàn vốn của nền kinh tế từng quốc gia và toàn cầu.

Chính do vai trò quan trọng của NH đối với nền kinh tế, nhất là kinh tế thị trường mà NH ngày càng trở nên thiết yếu. Bởi vậy, việc cần có một đội ngũ cán bộ, nhân viên NH chuyên nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu về trình độ và nghiệp vụ đã trở thành một đòi hỏi cấp thiết của quá trình phát triển kinh tế.

Vậy nghề NH là gì?

Nghề NH là các hoạt động liên quan đến tiền tệ, bao gồm việc kinh doanh tiền tệ, cung ứng các dịch vụ thanh toán của NH thương mại và việc thực thi chính sách tiền tệ quốc gia của NH trung ương.

Nghĩa là bước chân vào ngành NH, bạn sẽ hàng ngày đối mặt với những vấn đề nóng bỏng nhất của nền kinh tế như tỉ giá hối đoái, lãi suất, thị trường chứng khoán…. Để hiểu rõ hơn về nghề NH, cùng ta cùng tìm hiểu các nghiệp vụ NH.

Về đại thể, nghiệp vụ ngân hàng được chia làm hai loại, tùy thuộc vào chủ thể thực hiện là NH Nhà nước hay NH thương mại.

– NH Nhà nước có một số nghiệp vụ cơ bản sau:

+ Nghiệp vụ phát hành tiền: bao gồm in ấn, phát hành , quản lý và thu hồi trong lưu thông.
+ Nghiệp vụ thanh tra: NH Nhà nước tiến hành giám sát thường xuyên các đối tượng có hoạt động NH, đồng thời, giải quyết các đơn từ khiếu nại, tố cáo, phản ánh có liên quan đến hoạt động NH.
+ Nghiệp vụ kiểm soát nội bộ: kiểm tra và giám sát các hoạt động nghiệp vụ NH, tình hình thực hiện nhiệm vụ, chức năng của các đơn vị và việc chấp hành pháp luật, chính sách chế độ trong nội bộ NH Nhà nước.
+ Nghiệp vụ ngoại hối: NH Nhà nước mua một đồng tiền trên thị trường ngoại hối tại một thời điểm, rồi bán ra đồng tiền này tại một thời điểm khác nhằm góp phần làm cho tỉ giá tại các thị trường trở nên cân bằng.

– NH thương mại:

+ Nghiệp vụ tín dụng: huy động vốn từ những người gửi tiền và cho vay, hoặc đầu tư với mục đích hưởng lợi qua chênh lệch lãi suất.
+ Nghiệp vụ đầu tư tài chính: NH tham gia thị trường chứng khoán, sử dụng các nguồn vốn đầu tư vào việc mua các chứng khoán như một nhà đầu tư.
+ Nghiệp vụ thanh toán: thực hiện chi trả bằng tiền liên quan đến mua bán hàng hóa hay dịch vụ giữa các bên đã có thỏa thuận với NH. Có nhiều hình thức thanh toán như chuyển tiền, séc, tín dụng chứng từ, thanh toán nội địa, thanh toán quốc tế…
+ Nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối: Là việc NH thương mại mua bán các đồng tiền khác nhau trên thị trường ngoại hối, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và thu lợi nhuận từ chênh lệch tỉ giá mua bán…

Với rất nhiều lĩnh vực và nhiều NH như vậy, tùy thuộc vào trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, bạn có thể xin thi tuyển vào làm việc tại một số tổ chức của ngành NH như:

– Làm công tác tín dụng, thanh toán, đầu tư tài chính, kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, kho quỹ tại các NH thương mại quốc doanh và rất nhiều NH cổ phần khác.
– Làm công tác thanh tra, giám sát, pháp chế, quản lý, xây dựng chính sách tại NH Nhà nước ở trung ương. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện nghiệp vụ này tại chi nhánh NH Nhà nước các tỉnh, thành phố.
– Làm công tác tín dụng, ngân quỹ tại các quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.
– Làm công tác giảng dạy từ trung cấp đến đại học, cao học…về lĩnh vực NH tại các khoa, bộ môn của các trường có đào tạo ngành NH như Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân…
– Làm công tác tư vấn, kinh doanh chứng khoán tại các công ty chứng khoán. Thị trường chứng khoán còn tương đối non trẻ ở nước ta, chưa được nhiều người biết tới. Nhưng đây là lĩnh vực đầy tiềm năng và hứa hẹn để bạn phát triển sự nghiệp trong khoảng 5 đến 10 năm tới.
– Làm công tác báo chí với chức danh phóng viên, biên tập viên… tại các đơn vị báo chí của ngành NH như Thời báo NH, Tạp chí NH, Tạp chí Khoa học và Đào tạo NH, Tạp chí Thị trường Tài chính..
– Nếu bạn học các nghiệp vụ NH quốc tế, bạn sẽ có cơ hội tốt để làm việc tại các công ty xuất nhập khẩu, văn phòng đại diện của NH Thế giới WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF…

Các tố chất giúp bạn thành công trong nghề NH

– Có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là giỏi toán học. Điều này rất dễ hiểu bởi làm trong ngành NH nghĩa là bạn luôn tiếp xúc với những con số và các phép tính. Khả năng tính toán, tư duy logic và trí nhớ tốt sẽ giúp bạn rất nhiều khi thực hiện công việc. Chính vì vậy, khâu “đầu vào” của các cơ sở đào tạo Tài chính – Tiền tệ – Ngân hàng thường thi khối A (Toán, Lý, Hóa).

– Bản lĩnh trung thực: đối với ngành NH đòi hỏi này là yêu cầu tiên quyết. Hãy tưởng tượng xem ngày nào bạn cũng “ngồi trên cả núi tiền”, tiếp xúc với nhiều đối tác mà trong đó sẽ có không ít những “lời đề nghị riêng tư” gửi tới bạn kèm theo những khoản thỏa thuận hấp dẫn. Nếu bạn chỉ “tư lợi” chút chút thôi thì… hậu quả thật khó lường.

– Đức tính cần cù, cẩn trọng và tỉ mỉ. Nếu bạn là người cẩu thả và đãng trí, hãy suy tính kỹ lưỡng trước khi chọn nghề NH. Chỉ một sai sót nhỏ về con số có thể đẩy bạn vào vấn đề của một số tiền khổng lồ và hàng lô những rắc rối khác. Có khi cả sự nghiệp của bạn và bao nhiêu người khác cũng bị phá hỏng chỉ vì “lầm lẫn nhỏ” ấy.
Cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối luôn phải là tôn chỉ hoạt động của những người làm việc trong lĩnh vực tài chính NH.

– Sử dụng máy tính thành thạo: Bất kì nghiệp vụ nào của ngành NH cũng đòi hỏi biết sử dụng thành thạo máy tính. Không có khả năng này, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc. Thậm chí trong một số nghiệp vụ, nếu không sử dụng được máy tính thì sẽ không làm việc được.
– Khả năng ngoại ngữ: Ngôn ngữ hợp đồng kinh tế luôn đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối. Vì thế, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành kinh tế, tài chính không chỉ còn là điều kiện hỗ trợ mà đã trở thành yêu cầu tất yếu với nhân viên NH Việt Nam hiện nay.
– Năng lực giao tiếp: Năng lực giao tiếp được đặc biệt coi trọng với một nhân viên NH giỏi giang. Năng lực giao tiếp của nhân viên NH là khả năng thể hiện mình, biết tiến, lui đúng lúc trong quá trình giao dịch, đàm phán với đối tác, nhạy cảm , nắm bắt nhanh ý đồ của đối tác, nhẹ nhàng, mềm mỏng và kiên quyết khi cần thiết để thuyết phục đối tác.

– Khả năng sức khỏe: Công việc trong ngành NH thường căng thẳng về thời gian và phải chịu áp lực lớn, đặc biệt trong những đợt “cao điểm” như đầu hoặc cuối năm… Nếu bạn không có sức khỏe tốt, thần kinh vững, bạn sẽ rất dễ lâm vào tình trạng suy nhược. Bởi vì bạn là mắt xích trong một dây chuyền nên những vấn đề như thế làm ảnh hưởng không chỉ tới hiệu quả làm việc của bạn mà cả những người xung quanh.

Học ngành NH ở đâu?

Hai trung tâm đào tạo lớn về ngành NH là Học viện NH Hà Nội và Trường Đại học NH TP.HCM.

– Tại Học viện NH Hà Nội, tùy vào năng lực và điều kiện cá nhân, bạn có thể tham gia học tại các cấp đào tạo: trung cấp, cao đẳng, đại học chính quy, đại học tại chức, trên đại học. Nếu bạn không đủ điểm xét tuyển vào đại học, căn cứ vào điểm chuẩn và nguyện vọng cá nhân sẽ được xét học cao đẳng hay trung cấp.
Địa chỉ: Số 12 Chùa Bộc, Q.Đống Đa, Hà Nội; Tel: 04.8521305; Fax: 04.8525024; Email: info@hvnh.edu.vn; Website: www.hvnh.edu.vn

Trường Đại học NH TP.HCM đào tạo các cấp học cao đẳng, đại học và trên đại học. Nếu bạn không đủ điểm vào đại học, sẽ căn cứ vào điểm chuẩn và nguyện vọng cá nhân để xét cho học cao đẳng.
Địa chỉ: 36 Tôn Thất Đạm, Q.1 TP.HCM; Tel: 08. 8216096; Email: cetrob@hotmail.com; Website: www.dhnh.edu.vn

Ngoài ra, bạn có thể học các khoa đào tạo Ngân hàng – Tài chính ngắn hạn tại:

1.Khóa học Chuyên Viên Tài Chính - Ngân Hàng

– Viện Nghiên Cứu Châu Á – Trung Tâm Phát Triển Khoa Học Kinh Tế CED, Tp HCM

2.Nghiệp vụ tài chính ngân hàng– Trung tâm đào tạo bồi dưỡng và tư vấn về ngân hàng tài chính và chứng khoán, Hà Nội

3.Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại tại Đà Nẵng – CÔNG TY ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC IMPAC, Đà Nẵng

Trong các cơ sở đào tạo ngành NH, tùy thuộc vào từng chuyên ngành cụ thể, bạn sẽ được học các môn học như: Tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính quốc tế, Nguyên lý kế toán, Kế toán NH, Kinh tế quốc tế, Mô hình toán kinh tế, Tiền tệ – NH, Luật kinh tế, Marketing, Quản trị học, NH trung ương, Nghiệp vụ kinh doanh NH, Thanh toán quốc tế, Quản trị NH, Nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, Tín dụng quốc tế, Ngoại ngữ chuyên ngành…

Nguyễn Trọng

Cùng chuyên mục