MC – Nghề Dẫn Chương Trình Truyền Hình

(hieuhoc_hieuhoc.com): MC, viết tắt của Master of Ceremonies tức người dẫn chương trình Theo nghĩa thông thường được hiểu là người hướng dẫn quần chúng trong một sự kiện. Ngày nay, dẫn chương trình được xem là một nghiệp vụ thuộc về lĩnh vực nghệ thuật. Vì thế người làm nghiệp vụ này cũng được xem là một nghệ sĩ.

Tự tin, linh hoạt, MC là người thổi hồn cho những chương trình truyền hình, game show, events (sự kiện) bằng sự khéo léo của mình.

Vai trò của MC?

MC tuy không phải là những sao nổi tiếng với lực lượng fan hùng hậu, đi đâu cũng phải bao bọc cẩn thận và nhận hoa tíu tít, nhưng bạn có thể là “linh hồn” của những chương trình lớn, thu hút hàng triệu ánh nhìn.

MC là những người đã tạo dựng nên một “thương hiệu” riêng, khó có người thay thế và khán giả cũng đã quen thuộc phong cách của từng người qua chương trình họ phụ trách. Tuy nhiên, với quá nhiều chương trình trên truyền hình từ âm nhạc đến game show cộng thêm thị trường ca nhạc ở các thành phố lớn nở rộ nên nhu cầu về MC rất lớn. Có cung ắt có cầu. Rất nhiều ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, hoa hậu, người mẫu… bỗng chốc hóa thân thành những MC chuyên nghiệp. Đó là chưa kể đến lực lượng MC hùng hậu phụ trách tiệc cưới, hội nghị khách hàng hay thậm chí cả lễ mừng thọ, lễ tân gia, tham gia dẫn chương trình tại các quán cà phê, quán bar, trong vũ trường, siêu thị… Tất cả đều tạo dựng nên hình ảnh MC trong thời kỹ thuật số chỉ biết nói và… nói mà quên rằng MC là người dẫn dắt khán giả, tạo nên sợi chỉ xuyên suốt kết nối các tiết mục để tạo nên sự tổng thể, nhất quán cho chương trình.

Điều kiện gì để theo đuổi nghề dẫn chương trình?

Nghề MC đòi hỏi bạn có nhiều kĩ năng và vốn kiến thức phong phú để có thể đảm nhận nhiều vị trí. MC đôi lúc là người biên tập chương trình, là người thiết kế sáng tạo cho chính chương trình của mình chứ không đơn giản là học thuộc lời và đứng nói như cái máy.
Nhiều người quan niệm sai lầm rằng MC đồng nghĩa với việc phải xinh xắn hoặc đẹp trai, nhưng sự thật thì xinh không bằng duyên, vẫn rất cần khiếu ăn nói truyền cảm, linh hoạt và nhạy bén.

Muốn trở thành MC giỏi bạn cần có đài từ tốt: giọng nói phải tròn vành, rõ chữ. Cơ miệng của bạn phải rõ ràng.

Nghệ thuật diễn cảm – ánh mắt, đôi tay thậm chí cả những cái nhíu mày cũng là cách biểu đạt tình cảm hữu hiệu nhất, cùng lúc bạn phải diễn tả nội dung và chú ý phối hợp nhuần nhuyễn bước đi, đôi tay với lời nói. Mỗi MC đều có phong cách, cá tính riêng dễ nhận thấy, người thì với nụ cười trong trẻo, người thì có cách ngắt nhịp đứt đoạn nhưng ấn tượng…

Nghệ thuật biên soạn lời dẫn: bạn nhất thiết phải có kiến thức sâu rộng, có khả năng khai thác đề tài và sử dụng ngôn từ khi dẫn chương trình. Những lúc gặp tình huống bất ngờ, bạn không thể để mình bị “khớp” mà nhanh nhạy xử lý, suy nghĩ ngay trên những bước đi của mình.

Phương pháp phối hợp: phối hợp với những người dẫn chung chương trình, giao lưu với khán giả… Để làm chủ một sân khấu nhưng quan trọng là biết khiêm tốn mình để nâng những người khác lên đúng với mục đích, rất nhiều bạn trẻ mới tham gia làm MC đã quá tham nói, tham chọc cười cho khán giả dẫn đến khô cứng và nhạt nhẽo.

Đối với các MC hiện nay, điều quan trọng nhất là biết gây cười hài hước đúng lúc, để khỏa lấp những thiếu xót, chỗ trống trong chương trình. Nếu bạn có thể làm khán giả bật cười thoải mái thì dù bạn không có một khuôn hình xinh như mộng nhưng bạn vẫn chiến thắng những thử thách của nghề MC.

MC vốn là nghề không có khoa trường nào đào tạo chính thức, và các chương trình truyền hình hiện nay đang thiếu những MC giỏi. Đã có rất nhiều bạn săn đuổi bằng được các MC nổi tiếng, thuyết phục họ mở lớp dạy riêng cho một nhóm người trẻ, nhưng khi nhận được những cái lắc đầu, họ cũng không nản chí.

Những bạn sinh viên thì thử sức mình với những đêm dẫn nhỏ tại các phòng trà, chương trình ca nhạc của phường, hay đăng kí “lót” thế chân các MC quen thuộc của đài truyền hình mỗi khi họ bận.
Còn với những bạn đang có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nghề MC truyền hình lại không ngại ngần bỏ công sức để thuê studio tập nói trước camera và thu hình thử, chọn tiệm make up tạo dáng khuôn mặt thật đẹp…

Có những bạn còn dày công như Hồng Linh, cô chọn các tình huống thật khó rồi bốc thăm để tập phản ứng bất ngờ dưới sự giám sát ủng hộ của bạn bè. Linh còn lên thư viện, ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính để tìm hiểu thêm cả về thể thao, kinh tế thị trường để sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới.

Nghề MC hấp dẫn giới trẻ không chỉ bởi những hào quang xung quanh nó, mà còn vì nó mới mẻ, đòi hỏi bạn phải hoàn thiện mình từ ngoại hình đến tâm hồn, vốn là những thử thách khắt khe mà những người trẻ thích chinh phục. Vậy cũng không hề nói quá rằng nghề MC đang là nghề hot hiện nay.

Nếu bạn đang là người dẫn chương trình cho các hoạt động của trường, là một gương mặt “triển vọng” cơ hội sẽ đến khi các phòng trà, show ca nhạc lẻ hàng đêm hoặc ở tỉnh mời bạn, giá cho mỗi đêm thường từ 300 – 400 ngàn. Tổng thu nhập bình quân của một MC nổi tiếng khoảng hơn 10 triệu/tháng, còn MC bình thường, MC tuổi teen cũng nằm trong khoảng 2 – 3 triệu/tháng.

Học ở đâu để trở thành MC chuyên nghiệp?

Nếu bạn hứng thú và đã từng truyền đạt tốt những cảm xúc của mình trước đám đông, tại sao bạn lại không thử tham gia một khóa học MC để nâng cao trình độ và vốn diễn xuất của mình. Hãy thử đến Nhà Văn Hóa Thanh Niên, Cung Văn Hóa Lao Động (Tp.HCM) có lớp đào tạo MC do một số nghệ sĩ MC nổi tiếng được mời tới giảng dạy. Tại Hà Nội, Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô, Xưởng Phim Trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh…cũng đào tạo nghề MC. Nếu có điều kiện về tài chính, bạn có thể theo học nghề MC ở các trung tâm như: Trung tâm CBAI (Bruxelle – Bỉ); Hiệp Hội Đào Tạo Và Phát Triển Nghề Dẫn Chương Trình ARFA; Trung tâm đào tạo nghề dẫn chương trình CFA (Pháp); ITC (International Training in Communication), TI (Toastmaster International), NSA (National Speaker Association) của Hoa Kỳ…

Phượng Ngọc

Cùng chuyên mục