(hieuhoc_hieuhoc.com): Được coi là những người kiến tạo mĩ quan đô thị, có nhiệm vụ kế thừa, phát triển và thiết kế nên bản sắc văn hóa của công trình, đô thị và quốc gia, không ai khác hơn là những người nhà họ “Kiến”. Vậy thật ra kiến trúc là một nghề như thế nào?
Tổng quan nghề kiến trúc
Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa, nền công nghiệp nước ta đang được đẩy mạnh cùng với sự đô thị hóa bùng phát kéo theo sự phát triển của ngành xây dựng. Nhìn chung, kiến trúc sư là người trung gian đảm bảo đáp ứng tuyệt đối nhu cầu giữa người sử dụng và công trình kiến trúc. Họ chịu trách nhiệm thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức và cấu trúc cũng như dự đoán sự phát triển của một công trình hoặc cung cấp các giải pháp về kiến trúc (công năng, thẩm mĩ cũng như giải pháp kĩ thuật) cho các đối tượng xây dựng ở các lĩnh vực khác nhau.
Kiến trúc sư phải chuyển đổi nhu cầu sử dụng của người dùng vào các giải pháp mặt bằng – không gian – kĩ thuật của công trình hoặc, thậm chí, kiến trúc sư là người cố vấn để cải tạo và đề xuất ra dây chuyền công năng mới cho người sử dụng.
Một nghề kén bóng hồng
Kiến trúc là một nghề không bao giờ tẻ nhạt, bởi vì nó đòi hỏi sự sáng tạo rất cao cả khi bạn ở trong trường lẫn khi bạn ra đi làm, và điều này đòi hỏi bạn phải thực sự kiên nhẫn (nếu không kiên nhẫn thì bạn sẽ thu lượm được rất ít kiến thức khi ra thực tế).
Tuy nhiên những đòi hỏi về khả năng làm việc cường độ cao, áp lực công việc nặng khiến tỉ lệ nữ làm việc trong ngành này không cao. Ngọc Anh – sinh viên năm 3 ĐH Kiến Trúc TP.HCM tâm sự: “Theo kinh nghiệm của riêng mình thì việc đam mê là 1 yếu tố sống còn, thứ hai là phải có sức khoẻ. Bởi vì kiến trúc cũng là 1 ngành kĩ thuật nên bạn cũng phải thức đêm khá nhiều, vì vậy mới có câu: quỉ Bách Khoa, ma Xây Dựng. Nhưng vì đam mê nên mình quyết theo đuổi đến cùng.”
Kĩ thuật – mĩ thuật song hành
Cái khắc nghiệt nhất của nghề kiến trúc đó là bạn vừa phải đảm bảo độ bền vữa về kết cấu công trình vừa phải đảm bảo tính thẩm mĩ cao. Nghĩa là bạn phải kết hợp hài hòa giữa những con số khô cứng trên bản vẻ kĩ thuật và tính mĩ quan của công trình. Vì thế kiến trúc sư phải là người vừa có óc tính toán tốt, vừa phải có khả năng tổ chức thẩm mĩ nghệ thuật, nhằm đem lại vẻ đẹp hoàn hảo cho tác phẩm kiến trúc.
Kiến trúc sư cần có tư chất của một nghệ sĩ, một nhà khoa học – kĩ thuật, một người làm công tác văn hóa – xã hội. Người ta nói nghề kiến trúc là nghề kết hợp khoa học, kĩ thuật và nghệ thuật là như vậy. Tóm lại những tố chất cần có của một kiến trúc sư đó là:
– Năng lực tư duy thẩm mĩ trong không gian, nhận thức và tạo dựng cái đẹp.
– Khao khát sáng tạo, đam mê hình khối, háo hức tạo dựng công trình.
– Kiên trì, sáng tạo, ham học hỏi.
– Có bản lĩnh, kiên định
Các trường đào tạo ngành Kiến trúc
* Đại học Kiến trúc Hà Nội
* Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
* Đại học Kiến trúc TP.HCM
* Đại học Xây dựng Hà Nội
* Đại học Bách khoa Đà Nẵng
* Đại học Khoa học Huế
* Đại học Mở Hà Nội
* Đại học Văn Lang
* Đại học Yersin – Đà Lạt
Huy Toàn
(Chú ý: Hãy ghi rõ nguồn: “Huy Toàn – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)