(hieuhoc_hieuhoc.com): Chắc hẳn các bạn là một “tín đồ”, là người đã từng chơi hay tối thiểu cũng biết đến các game từng đình đám và đang làm mưa làm gió trên mạng trong những năm gần đây như Haft Life, Đế chế, Võ Lâm Truyền Kỳ, Audition, Phi Đội, Boom… Vậy, những game đó là do ai tạo ra? Đó chính là các game developer (người gia công, phát triển phần mềm).
Game – ngành giải trí công nghệ cao thu hút giới trẻ
Nếu có dịp ghé thăm phòng máy của các công ty như Gameloft VN, GlassEgg, Sáng Tạo, VinaGame…, các bạn trẻ chắn chắn sẽ bị “choáng ngợp” bởi những giàn máy vi tính hiện đại với tốc độ xử lý cực cao, những đồ chơi kỹ thuật tối tân…
Anh Trần Minh Thông, tốt nghiệp ngành multimedia trường Hoa Sen và là một game developer (GD) chủ lực đã làm cho công ty Sáng Tạo 7 năm nay kể lại cảm giác thích thú của mình: “Chúng tôi làm xong phần đồ hoạ game đua xe Burnout Revenge và cảm thấy rất ưng ý. Thế rồi mới đây game này được tung ra thị trường, mọi người vào chơi bàn tán đây xe này của tôi vẽ, xe kia do anh làm… thấy khoái gì đâu!”. Anh còn nói thêm: “Chúng tôi làm việc rất thoải mái về giờ giấc, bất kỳ lúc nào cảm thấy thích là làm, miễn sao đảm bảo công việc. Làm thấy mỏi mệt thì chơi game để tìm cảm hứng”.
Nếu Sáng Tạo, GlassEgg chuyên về gia công đồ hoạ cho game, thì với Gameloft, số lượng GD lên tới gần 220 người và làm game từ A tới Z. Họ đều rất trẻ, khoảng 23-27 tuổi, tốt nghiệp các trường NIIT, Mỹ thuật, ĐH Mở bán công, ĐH Kinh tế…
Hiện nay các công ty game đều có nhu cầu tuyển GD và thường xuyên nhận hồ sơ tìm việc. Giám đốc Phùng Việt Hưng cho biết mỗi tháng Gameloft tuyển chừng 10-15 lập trình game, 20 tester nhưng thường là cung không đủ cầu. Quy trình tuyển dụng chung của các công ty là ứng viên nộp hồ sơ, qua được vòng hồ sơ sẽ làm các bài test kỹ thuật liên quan từng lĩnh vực. Những người qua vòng test sẽ được phỏng vấn để tuyển dụng chính thức.
Thu nhập của GD thường cao hơn so với công việc làm phần mềm thông thường. “Mức lương khởi điểm của một GD có thể là 5-6 triệu đồng/tháng”, – giám đốc sản xuất Ung Hoàng Việt của Sáng Tạo cho biết. Còn theo một nhà quản lý khác: “Người ta chia công việc của GD theo các mức thấp (junior), cao (senior) và hơn nữa (lead senior), và lương cao có thể là 15 triệu đồng/tháng trở lên”.
Những công việc của một game developer
GD không chỉ là vẽ đồ họa 2D, 3D mà còn làm quản lý dự án, phát triển ý tưởng, thiết kế kịch bản trò chơi, màn chơi, lập trình và người chuyên chơi để tìm lỗi của game.
Theo trình tự của công việc để lập trình nên một game, trước tiên cần có những ý tưởng về những game mới. Bởi vậy, đây là một công việc rất giàu tính sáng tạo chứ không hề khô cứng như nhiều người lầm tưởng về những nghề liên quan đến máy móc. Sau khi có ý tưởng mới, các GD chuyển quan viết kịch bản cho trò chơi. Khâu viết kịch bản này bao gồm việc bố trí trình tự các phần trong game, thiết kế các bậc chơi (level) và ngôn ngữ trong game. Tiếp theo là công việc của người lập trình game và các chuyên viên thiết kế đồ họa 2D, 3D. Game đẹp hay xấu, cuốn hút hay không phụ thuộc rất nhiều vào tính mỹ thuật của các nhân vật, quang cảnh trong game. Bởi vậy, những GD chuyên design phải có khiếu thẩm mỹ cao. Khâu cuối cùng, khi bản nháp của game hoàn thành thì cần có những game tester (người chuyên chơi để tìm lỗi trong game). Trong suốt quá trình này, luôn có những chuyên viên quản lý dự án điều hành, phối hợp các khâu lại.
Giám đốc sản xuất Phùng Việt Hưng của Gameloft cho biết: “Chúng tôi làm nhiều game cho điện thoại di động, nên hầu hết nhân viên thường xuyên chơi game để test (thử nghiệm) những cái mình vừa làm, hoặc tìm cảm hứng sáng tạo mới”. Bởi vậy, có thể nói nghề này là nghề “vừa làm vừa chơi” một loại hình giải trí hiện đại đang hấp dẫn không chỉ giới trẻ.
Tố chất nào cho một game developer?
– Trước tiên, để trở thành một GD, các bạn cần phải có sự đam mê sáng tạo. “Tất nhiên là nghề nào cũng cần đam mê, nhưng với GD, dù làm việc nhiều nhưng bạn luôn phải ở trong trạng thái phấn khích thì mới theo được. Có những GD suốt ngày cứ vẽ xe hơi nên đâm chán rồi bỏ việc”, anh Minh Thông cho biết. “Sáng tạo cũng là điểm mà nhiều GD của chúng ta còn thiếu, trong khi về kỹ thuật chúng ta không thua kém các nước khác. Game mới thịnh hành ở Việt Nam gần đây và đang hình thành nên một lớp người đam mê mới còn rất trẻ”. Chính sự sáng tạo này sẽ giúp các GD tìm ra những ý tưởng mới mẻ để game của họ trở nên nổi bật, thu hút được nhiều gamer tham gia chơi.
– Đối với những GD chuyên thiết kế hình ảnh thì tư duy mỹ thuật là một điều rất quan trọng bởi lẽ hình ảnh của game đẹp hay xấu là phụ thuộc vào những chuyên viên thiết kế này.
– Tư duy logic rất cần thiết cho những GD chuyên lập trình.
Học game developing ở đâu?
* Hiện nay, ở nước ta có duy nhất 1 trường đào tạo công nghệ lập trình, phá triển game, đó là Học viện CNTT NIIT – Ấn Độ. Chương trình này được triển khai trên toàn bộ hệ thống NIIT trên toàn quốc từ ngày 05/03/2007. Chương trình kéo dài 24 tháng, và bằng cấp được cấp đạt chuẩn quốc tế. Đối tượng dự tuyển là các bạn học sinh PTTH, sinh viên ĐH, CĐ và sẽ thi tuyển với các môn là Tư duy Logic, tiếng Anh và Phỏng vấn.
Sau khi hoàn thành 2 năm học, ra trường, các bạn có thể được ưu tiên tuyển dụng từ các công ty game nổi tiếng trong nước như VinaGame, Gameloft…
Địa chỉ chi tiết các trung tâm của NIIT xin tham khảo trực tiếp trên website: www.niit.edu.vn.
* Bên cạnh đó, bạn cũng có thể học các ngành Mỹ thuật Đa phương tiện, Mỹ thuật Công nghiệp, ở các trường sau:
– ĐH Hồng Bàng:
Địa chỉ: 3 – Hoàng Vịệt P.4, Q.Tân Bình. TP.HCM; Tel: 08.8114336, 8.119837; Fax: 0.8444627; Email: dhhongbang@hbu.edu.vn; Website: www.hbu.edu.vn.
– ĐH Mỹ thuật TP.HCM:
Địa chỉ: 05 – Phan Đăng Lưu, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM; Tel: 08.843 3454; Email: info@hcmufa.edu.vn; Website: www.hcmufa.edu.vn.
– ĐH Mỹ Thuật Việt Nam:
Địa chỉ: 42 Yết Kiêu, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội; Tel: 04. 8263861
– Trung tâm đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện FPT-Arena:
Địa chỉ:
+ FPT-ARENA Hà Nội 1: 264 – Đội Cấn, Ba Đình (tầng 4, Viện cơ học); Tel: 04.7629680/7629681; Email: fpt-arena@fpt.com.vn.
+ FPT-ARENA HCM: 79B – Lý Thường Kiệt, P.8, Q.Tân bình (CMC Plaza); Tel: 08.2935101/2935102; Fax: 08.2935103; Email: arena@fpt.com.vn
Website: www.arena.edu.vn.
Trần Bình