Tham vọng và khát vọng

Bạn sẽ chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Cuộc sống của bạn sẽ bình lặng trôi đi nếu không muốn nói là tẻ nhạt và vô nghĩa khi ngay từ lúc còn trẻ bạn chẳng có ước mơ, khát vọng gì.

Có thể đó là một ước mơ, khát vọng không “mang tính khả thi” lắm với điều kiện, môi trường sống và khả năng thực tế của bạn. Song đó vẫn là một giấc mơ đẹp, giúp bạn coi nhẹ những khó khăn, thiếu thốn, trở ngại, chông gai thực tại mà nhìn về phía trước. Nó còn giúp cho tâm hồn bạn, trái tim bạn, suy nghĩ của bạn luôn trong trẻo, luôn rung lên và thấm đẫm chất nhân văn.

Song một khi ước mơ, khát vọng đó phù hợp với khả năng của bạn và có môi trường tốt, điều kiện tốt, bạn sẽ như được tiếp thêm sức mạnh, chắp thêm đôi cánh để bay cao, bay xa và đạt được tất cả những gì mình muốn với một sự tự hào về bản thân mình và với sự ngưỡng mộ, nể trọng và chia vui của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Ngược với khát vọng là tham vọng. Tham vọng sẽ khiến bạn như bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Bạn sẽ chẳng còn mắt để nhìn, tai để nghe và cái đầu để suy nghĩ cho tỉnh táo. Bạn sẽ trở thành nô lệ của cái ác, sẵn sàng làm điều xấu, điều ác…

Và thế nào để nhận ra bạn đang “có tham vọng” hay “nuôi dưỡng khát vọng”:

Luôn ảo tưởng về khả năng thật sự của bản thân.

Người có tham vọng bao giờ cũng nghĩ mình là người tài giỏi, luôn đứng cao hơn người khác, chẳng bao giờ có được sự khiêm tốn và sự tỉnh táo, khách quan để nhận ra rằng “nhân vô thập toàn”, bản thân mình còn rất nhiều khiếm khuyết, còn thua người này, kém người kia.

Không thể chịu nổi khi ai đó cho rằng “mình chỉ thế thôi”

Người tham vọng ghét cay ghét đắng ai đó dám nói thẳng với họ rằng: “Anh (chị) cũng thường thôi, còn phải phấn đấu, học hỏi nhiều”. Người tham vọng không chịu nổi khi trước mặt họ, người ta chỉ ca ngợi anh A., chị B. có nghiệp vụ giỏi, sống lành mạnh, biết yêu thương, chia sẻ với đồng nghiệp và có động cơ phấn đấu trong sáng mà không đoái hoài gì đến họ. Họ sẵn sàng kết tội người khác thiếu sâu sắc, khách quan hoặc thiếu vô tư, công bằng khi nhìn nhận, đánh giá về họ.

Luôn luôn không bằng lòng với những gì mình đang có

Người có khát vọng cũng thường rất khắt khe với bản thân, luôn không bằng lòng với mình và đặt ra những mục tiêu nghiêm ngặt cho mình trong học tập, nỗ lực phấn đấu để đạt được.

Người tham vọng cũng luôn không bằng lòng với những gì mình có, song không bao giờ nhận lỗi về mình, không thấy bản thân cần phải phấn đấu rèn luyện ra sao mà chỉ thấy sao tạo hóa và cuộc đời lại bất công với mình thế. Mình luôn kém may mắn và luôn bị người khác đối xử thiếu khách quan, thiếu công bằng với mình, thậm chí là luôn trù dập mình. Một tâm lý u uất, bức bối và bất mãn luôn bao trùm trong con người tham vọng.

Rất dễ dàng kết tội người khác

Nhất là khi người tham vọng muốn một điều gì cụ thể mà không đạt được, hoặc lầm tưởng vị trí này, chức vụ kia phải là của mình nhưng thực tế không được, thế thì họ như biến thành con người khác: cay cú, bất mãn, thậm chí là thù hận và sẵn sàng kết tội một cách thiếu căn cứ, rất cảm tính đối với người khác. Họ chỉ còn nhìn thấy cái xấu, cái tiêu cực mà phủ nhận mọi cái tốt ở người khác.

Và bằng mọi giá

Và bằng mọi giá, kể cả những việc mà một người bình thường sẽ không bao giờ hành xử như thế thì người có tham vọng mà không đạt được vẫn cứ làm. Con người họ luôn sẵn sàng nổ tung cho những cuồng vọng của mình. Họ để lại bao nhiêu sự thất vọng, lời oán than cho những ai là nạn nhân của họ, kể cả người thân trong gia đình họ.

Nếu ai nào cảm thấy mình có một vài biểu hiện của tính tham vọng thì cần tỉnh táo và biết dừng lại nếu không muốn phải trả giá đắt trong cuộc sống, trong sự nghiệp và cả hạnh phúc riêng tư.

Theo dddn.com

Các bài liên quan:

– Đại học – học đại, học để làm gì?

Luôn có một nghề dành cho bạn, để bạn vững bước vào đời.

Không dễ dàng chấp nhận thất bại.

Lòng tự trọng: Tin vào bản thân.

Có lẽ thành công nào đó chỉ là ảo mộng…

Cùng chuyên mục