(hieuhoc_hieuhoc): Chọn nghề mình sẽ làm là một vấn đề rất rất quan trọng đối với những bạn học sinh, sinh viên nhưng vấn đề này lại ít được quan tâm sớm và nếu có thì cũng chưa đúng đắn. Và hậu quả là có rất nhiều người phải làm trái ngành nghề, thậm chí là những công việc họ không yêu thích. Dưới đây là những sai lầm mà các bạn trẻ thường mắc phải khi chọn nghề.
1. Chọn nghề đơn giản như đan rổ!
Thực tế thì để có thể chọn cho mình một nghề phù hợp là một quá trình nhiều giai đoạn và bạn nên dành thời gian xứng đáng và thái độ nghiêm túc cho vấn đề này. Quá trình đó có thể gồm nhiều bước, từ việc tìm hiểu về chính bản thân mình cho tới công việc bạn đang quan tâm, lợi thế của gia đình… để có thể đưa ra được quyết định đúng đắn.
2. Những người đi trước như thầy cô, cha mẹ, hay các nhà tư vấn chuyên nghiệp sẽ chỉ cho tôi biết tôi phù hợp với nghề gì
Trong thực tế, chẳng ai trong số họ có thể hiểu được hết bạn có khả năng gì, tính cách bạn như thế nào để có thể nói công việc nào là tốt nhất cho bạn. Họ chỉ có thể cung cấp cho bạn những kinh nghiệm, nhận định chủ quan hay những quy tắc chung nhất trong cách chọn nghề và tạo điều kiện thuận lợi để bạn dễ dàng đưa ra quyết định của mình hơn là tự bạn mày mò mà thôi.
3. Tôi không thể kiếm sống từ những đam mê, sở thích cá nhân
Đó là một suy nghĩ sai lầm. Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn kiếm được công việc đúng với sở thích của mình. Thêm nữa, người ta thường có xu hướng rất giỏi trong những việc vốn là đam mê của họ mặc dù hầu hết những kỹ năng để làm việc đó thường được tích luỹ một cách thoải mái, tự nhiên. Khi làm công việc ưa thích, tinh thần bạn sẽ rất tốt và hiệu suất làm việc sẽ rất cao. Vậy thì tại sao bạn không mạnh dạn chọn công việc mình ưa thích đi?
4. Làm xáo trộn những khả năng bạn có với những gì bạn muốn làm
Nếu bạn vừa yêu thích vừa có khả năng làm công việc bạn định làm đó thì quả là tốt đẹp. Tuy nhiên, có không ít trường hợp 2 điều trên lại không trùng nhau. Bởi vậy, chắc chắn bạn phải mất nhiều thời gian để có thể tìm một công việc khả dĩ dung hòa được 2 điều trên. Tuy nhiên, Hiếu Học cho rằng điều bạn thích mới là điều quan trọng hơn khả năng của bạn. Vì sao vậy? Bởi vì nếu bạn thích làm gì đó, bạn sẽ đầu tư cho nó nhiều hơn những công việc khác. Bạn sẽ làm điều nó thường xuyên hơn, bạn sẽ đầu tư nhiều tâm huyết để học nghề đó và sẽ cố gắng dần hoàn thiện mình để có thể làm công việc đó tốt đẹp.
4. Tôi sẽ chọn công việc trong danh sách những việc làm “hot” nhất
Hằng năm, nhất là trong những năm bản lề như khởi đầu một thập kỷ mới chẳng hạn, rất nhiều sách báo có xu hướng lập danh sách những việc làm “nóng” nhất và dự đoán xu hướng phát triển của các ngành nghề đó. Tất nhiên sẽ chẳng hại gì nếu bạn liếc qua danh sách đó để xem có công việc gì thực sự hấp dẫn bạn không nhưng không nên sử dụng danh sách này như một “mệnh lệnh” cho lựa chọn nghề nghiệp của bạn. Thủ hỏi ngược lại: Nếu ai cũng chạy theo làm nghề hot thì những nghề không hot ai sẽ làm đây? Đã có rất nhiều người bị vỡ mộng với nghề hot rồi, bạn có biết họ không?
5. Càng kiếm được nhiều tiền, tôi sẽ càng hạnh phúc
Mặc dù tiền bạc là rất quan trọng nhưng đó không phải là tất cả bạn cần tính tới khi chọn nghề. Khi Hiếu Học đưa ra câu hỏi: “Đeo đuổi đam mê hay đeo đuổi USD?” trong một cuộc khảo sát sinh viên năm cuối các trường ĐH trong TP.HCM thì nhận được không ít lựa chọn là vế thứ nhất. Với nhiều người, được tận hưởng cảm giác thích thú trong công việc, được làm công việc mình yêu thích mới là điều quan trọng hơn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa bạn không nên quan tâm tới yếu tố thu nhập khi đánh giá một công việc.
6. Làm xáo trộn những thiên hướng của mình
Sự tin tưởng vào công việc phải thỏa mãn tất cả những gì bạn muốn là nguồn gốc của những sai lầm nghề nghiệp thường gặp. Điều này không có nghĩa là bạn không yêu công việc của mình – bạn chỉ đặt một hoạt động và sở thích (năng khiếu) lên trên công việc của mình thôi!
Ví dụ, bạn thích âm nhạc nhưng bạn không có thể học ca hát, chơi nhạc cụ hay sáng tác nhạc như một nghề. Nhưng đó vẫn là một sử thích lớn của bạn. Bạn có thể tiếp tục ca hát, chơi đàn như niềm yêu thích, và thực hiện điều đó khi công ty bạn có hội diễn văn nghệ hay sau ngày làm việc của bạn.
7. Nếu đã chọn nghề gì là tôi sẽ phải gắn với nó suốt đời
Điều này là không đúng. Nếu vì bất cứ lý do nào đó bạn không thấy thoải mái với công việc, bạn luôn có thể thay đổi nó. Chẳng phải đã có không ít người đã thay đổi nghề nghiệp trong cuộc đời làm việc của họ đó hay sao.
8. Tôi sẽ chọn nghề theo mong muốn, nguyện vọng của cha mẹ, người yêu của tôi
Không ai giống ai cả và điều người đó thích thì chưa chắc bạn đã thích, ngay cả khi bạn và người đó có rất nhiều điểm chung. Nếu ai đó nói với bạn họ thấy có một công việc rất phù hợp với bạn, bạn có thể tham khảo điều đó nhưng hãy cẩn thận vì có thể nó sẽ không thích hợp với bạn đâu.
9. Kiếm được một công việc thì coi như là đâu vào đấy rồi
Chọn được nghề nghiệp là một bước khởi đầu tuyệt vời nhưng sau đó còn rất nhiều việc khác phải làm nữa. Bởi sau khi trở thành nhân viên chính thức của công ty nào đó, bạn cần phải chuẩn bị những bước cần thiết để đạt được các mục tiêu dài hơi hơn trong sự nghiệp.
10. Tôi sẽ chẳng biết được mấy thông tin về công việc cho tới khi thực sự bắt tay vào làm
Đúng là kinh nghiệm trực tiếp là rất tuyệt vời nhưng bạn cũng còn rất nhiều phương thức để khám phá một nghề nghiệp. Bạn có thể đọc thông tin trên mạng hoặc trên các nguồn sách, báo in, bạn cũng có thể phỏng vấn chính những người đang trực tiếp làm việc ở lĩnh vực đó. Những thông tin từ nhiều nguồn sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan về công việc đó lắm chứ.
Ngô Nghê
(Chú ý: Hãy ghi rõ nguồn: “Ngô Nghê – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)