Điều gì tạo nên sự khác biệt ở chủ doanh nghiệp? (Phần 1)

(hieuhoc_hieuhoc): Một trong những thời điểm kinh hoàng nhất đời tôi là ngày tôi nghỉ việc và chính thức làm một ông chủ. Đó là ngày tôi hiểu sẽ chẳng còn những kì lương đến hẹn lại lên, không bảo hiểm y tế và lương hưu gì cả. Những ngày nghỉ bệnh hay nghỉ mát theo chế độ cũng là “chuyện xưa rồi”.

Ngày đó, thu nhập của tôi trở về số 0. Cảm giác sợ hãi khi không còn lương tháng là một trong những nỗi kinh hoàng nhất tôi từng trải. Và kinh khủng nhất là tôi không biết chuyện đó còn kéo dài bao lâu trước khi thu nhập của tôi ổn định trở lại… biết đâu chừng vài năm. Thời điểm nghỉ làm đó tôi đã thấy rõ lí do vì sao nhiều người làm công chẳng bao giờ trở thành chủ doanh nghiệp. Đó là nỗi sợ không có tiền… không thu nhập ổn định… không lương tháng. Có mấy ai sống nổi một thời gian dài mà không cần đến tiền. Chủ doanh nghiệp thì khác và một trong những điểm khác biệt là khả năng hoạt động khôn ngoan không cần đến tiền.

Nhưng đồng thời chuyện chi tiêu tăng vọt. Là chủ doanh nghiệp, tôi phải thuê văn phòng, chỗ đậu xe, nhà xưởng, mua bàn, đèn, bắt điện thoại, trả tiền đi lại, khách sạn, taxi, ăn uống, bút viết, văn phòng phẩm, giấy tờ hành chính, tem thư, brochure, sản phẩm và cả tiền cà phê cho anh em văn phòng. Rồi còn phải thuê thư kí, kế toán, luật sư, công ty bảo hiểm kinh doanh và cả dịch vụ vệ sinh. Trước đây, chi phí này đã có ông chủ lo. Đến giờ thì tôi hiểu để thuê tôi làm nhân viên, ông chủ đã tốn kém đến thế nào. Tôi nhận thức được chi phí cho nhân viên không chỉ dừng lại ở con số hàng tháng chuyển vào tài khoản của họ.

Cái khác của người làm chủ doanh nghiệp là ở chỗ chủ doanh nghiệp cần biết họ phải tiêu tiền như thế nào, ngay cả khi họ chẳng có xu teng.

Phải chăng con người sinh ra để làm chủ?

“Làm chủ doanh nghiệp là năng khiếu bẩm sinh hay được đào tạo mà thành?” Khi tôi hỏi người cha giàu ý kiến của ông về câu hỏi xưa cũ này, ông nói, “Câu hỏi này vô nghĩa. Điều này cũng giống như hỏi con người ta sinh ra để làm công hay được đào tạo để làm công?” Ông nói tiếp, “Con người biết học hỏi. Họ có thể được đào tạo thành người làm công hay ông chủ. Lí do có nhiều người làm công hơn làm chủ đơn giản vì trường học đào tạo người ta thành người làm công. Vì thế mà nhiều bậc cha mẹ vẫn dạy con cái mình, “Đi học để có được việc làm tốt”. Cha chưa từng nghe cha mẹ nào nói “Ráng học để trở thành ông chủ” cả”.

Người làm công là một hiện tượng mới

Người làm công là một hiện tượng khá mới. Thời kì nông nghiệp, hầu hết ai cũng làm chủ. Phần đông nông dân làm lụng trên đất của vua. Người nông dân không ăn lương tháng của vua mà ngược lại, họ đóng một khoản thuế cho nhà vua để được quyền sử dụng đất. Nhưng ai không là nông dân thì là thương nhân, hay là chủ các cơ sở làm ăn nhỏ. Họ bán thịt, bán bánh hay làm nến sáp. Cái họ trong tên mỗi người chỉ ra nghề của người đó. Vì thế mà ngày nay nhiều người mang họ Smith (tiếng Anh có nghĩa là thợ rèn), Baker (chủ tiệm bánh) và Farmer (vì gia đình họ vốn là nông dân). Tất cả đều làm chủ chứ không làm công. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình làm chủ đó nối nghiệp ông cha, cũng trở thành những ông chủ. Như vậy mấu chốt nằm ở việc đào tạo.

Trong thời đại công nghiệp, nhu cầu người làm công tăng mạnh. Để đáp ứng, một số nhà nước giành lấy nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo hệ thống Prussian mà các trường học Tây Âu trên thế giới hiện nay vẫn lấy làm hình mẫu. Nếu nghiên cứu học thuyết đằng sau hệ thống Prussian, bạn sẽ thấy mục đích được ghi rõ là sản sinh ra binh sĩ và nhân công… những người làm theo mệnh lệnh và chỉ làm đúng những gì họ được yêu cầu. Hệ thống giáo dục Prussian tuyệt vời trong việc sản xuất hàng loạt các nhân công. Mấu chốt vẫn là ở việc đào tạo.

Từ làm công sang làm chủ

Tôi biết mình sinh ra không phỉa là một ông chủ. Tôi cần phải học. Người cha giàu hướng dẫn tôi quả cả một quá trình bắt đầu từ lúc làm công cho đến cuối cùng trở thành một ông chủ. Đối với tôi, quá trình đó không dễ dàng chút nào. Nhiều thứ tôi phải quên đi trước khi có thể bắt đầu hiểu được những bài học mà ông cố gắng dạy tôi.

Thật khó lĩnh hội những gì người cha giàu nói vì những gì từ ông hoàn toàn trái ngược những bài học mà người cha nghèo đã dạy. Mỗi khi người cha giàu đề cập chuyện làm chủ, ông lại nói về tự do. Còn mỗi khi người cha nghèo khuyên tôi chuyện đi học để kiếm việc làm, ông lại nói về chuyện công việc ổn định. Hai trường phái này đụng nhau chan chát trong đầu tôi và làm tôi thật bối rối.

Cuối cùng tôi hỏi người cha giàu về sự khác nhau trong hai cách nghĩ. Tôi hỏi, “Ổn định trong công việc và tự do không thể nào là một thứ sao cha?”

Ông mỉm cười trả lời, “Tự do và ổn định không giống nhau…thực tế chúng còn trái nhau. Con càng tìm đến sự ổn định thì con càng có ít tự do. Những người có công việc ổn định rất có thể sống trong sự giam cầm”. Ông nói tiếp, “Nếu con muốn tự do, con phải thoát ra khỏi sự ổn định. Người làm công kì vọng vào sự ổn định còn người làm chủ thì theo đuổi tự do.”

Vì thế câu hỏi sẽ là, có phải ai cũng có thể trở thành chủ doanh nghiệp? Câu trả lời của tôi là “Đúng. Nó bắt đầu bằng sự thay đổi trong cách nghĩ. Nó bắt đầu với mơ ước tự do hơn là sự ổn định”.

Chủ doanh nghiệp là ai?

Chúng ta đã mổ xẻ các giáo sư đại học nhưng cũng cần có lời khen ngợi. Một trong những định nghĩa hay về chủ doanh nghiệp là của Howard H.Stevenson, một giáo sư Đại học Harvard. Ông nói, “Làm chủ doanh nghiệp là một cách tiếp cận quản lí mà chúng tôi định nghĩa như sau: sự theo đuổi cơ hội bất chấp nguồn lực sẵn có”. Theo thiển ý của tôi, đây là một trong những định nghĩa hay nhất về chủ doanh nghiệp. Nó thật đến tận gốc ngọn và thật sáng ngời.

Sức mạnh của những cái cớ

Nhiều người muốn trở thành chủ doanh nghiệp nhưng luôn luôn đưa ra những cái cớ vì sao họ không thể thôi việc, chẳng hạn như:

– Tôi không có tiền

– Tôi không thể bỏ việc vì còn lũ nhỏ phải nuôi

– Tôi chẳng quen ai

– Tôi không được sáng dạ

– Tôi không có thời gian. Tôi bận quá

– Tôi không tìm được người nào muốn giúp mình

– Gầy dựng cho thành một chuyện làm ăn mất nhiều thời gian quá

– Tôi sợ. Với tôi chuyện xây dựng một cơ sở làm ăn thật quá mạo hiểm

– Tôi không thích quản lí người làm công

– Tôi già rồi

-…

Người bạn đưa cho tôi bài báo này của giáo sư Stevenson nói, “Thằng nhóc 2 tuổi nào mà chẳng giỏi lí do lí trấu.” Anh nói thêm, “Lí do làm hầu hết những người muốn trở thành chủ doanh nghiệp vẫn cứ mãi đi làm công là vì họ có một cái cớ gì đó khiến họ không nghỉ việc và vượt qua ngưỡng số phận. Với nhiều người, những cái cớ mang một sức mạnh lấn át cả những ước mơ.”

Biết cách sử dụng nguồn lực của người khác

Một điểm khác Stevenson nêu rất xác đáng là định nghĩa của ông về một chủ doanh nghiệp, “Làm chủ doanh nghiệp là một cách tiếp cận quản lí mà chúng tôi định nghĩa như sau: sự theo đuổi cơ hội bất chấp nguồn lực sẵn có.” Ông nói “Các chủ doanh nghiệp học sử dụng nguồn lực của người khác một cách hiệu quả.” Từ đây dẫn đến sự khác biệt trong phong cách quản lí. Người làm công muốn thuê người để họ có thể quản lí. Họ sẽ làm những gì được yêu cầu hoặc bị đuổi việc. Chính vì thế mà những người làm công muốn tạo ra hệ thống quản lí cột dọc. Họ muốn hình thức quản lí Prussian. Họ muốn người ta nhảy khi họ nói “Nhảy”.

Vì chủ doanh nghiệp không nhất thiết quản lí người làm công nên họ cần quản lí con người theo cách khác. Nói đơn giản là thế này, chủ doanh nghiệp cần biết cách quản lí những chủ doanh nghiệp khác như thế nào. Nếu bạn nói “Nhảy” với một chủ doanh nghiệp khác hẳn họ sẽ phản ứng kịch liệt. Vì thế mà chủ doanh nghiệp không phải là những nhà quản lí tồi như nhiều người nghĩ; đơn giản là họ có phong cách quản lí rất khác, họ quản lí những người họ không thể bắt buộc phải làm theo ý hay là… đuổi việc.

Sự khác nhau về phong cách quản lí cũng lí giải vì sao những người làm công làm việc vì đồng tiền cạnh tranh còn chủ doanh nghiệp có khuynh hướng làm việc cho đồng tiền hợp tác.

Người làm công tìm người làm công

Đây là một số những lời than thở phổ biến nhất của những người chủ doanh nghiệp mới, “Tôi không tìm được người giỏi”, “Nhân viên không muốn làm việc”, “Tất cả những gì nhân viên muốn chỉ là nhiều tiền hơn.” Đây là vấn đề của một chủ doanh nghiệp mới vẫn còn lúng túng trong cách quản lí. Phong cách quản lí là vấn đề của đào tạo. Lại một lần nữa tôi dành lời khen đến vị giáo sư đại học Howard Stevenson vì ông đã chỉ ra sự khác nhau cốt lõi giữa chủ doanh nghiệp và người làm công.

(Còn tiếp)

Nguồn: Sách “Dạy con làm giàu” – Tác giả: Robert Kiyosaki và Sharon Lechter, Biên dịch: Thiên Kim, NXB Trẻ

Cùng chuyên mục