(hieuhoc_hieuhoc.com). Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) là một trong những trường đầu tiên áp dụng việc đào tạo theo tín chỉ và nhiều trường ĐH cũng đã chuyển sang tín chỉ được nhiều năm. Nhưng cấu trúc và nội dung giảng dạy chưa được đổi mới (nhiều trường chuyển số đơn vị học trình thành số tín chỉ nhưng vẫn tổ chức kiểu dạy học theo cuốn chiếu, không xác định rõ được vai trò của sinh viên trong tiến trình dạy học). Tuy nhiên, theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, từ năm 2010: Tất cả các trường ĐH-CĐ phải áp dụng chương trình đào tạo theo tín chỉ.Vì vậy, làm thế nào để học theo hình thức tín chỉ đạt hiệu quả là băn khoăn của không ít sinh viên hiện nay.
Chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, nhìn chung các trường ĐH đều đồng tình, ủng hộ. Bởi hơn hết các trường ĐH hiểu rất rõ chỉ có cách này thì chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam mới có bước tiến tích cực, nhằm đạt được sự tương thích trong các hệ thống đại học quốc gia, để chuẩn hóa bằng cấp giữa các đại học.
Học chế tín chỉ có nhiều ưu thế mà SV phải năng động hơn để khai thác nó. Học chế tín chỉ giúp đánh giá SV liên tục, nhiều lần trong một học kỳ nhằm giảm tải ở kỳ thi cuối kỳ cũng đồng thời rèn luyện SV nhiều hơn. Do vậy, đòi hỏi bản thân SV phải tập trung cho việc học tập để đạt kết quả tốt nhất ngay từ đầu chứ không phải chỉ học theo kiểu thuộc bài.
Làm thế nào để đạt hiệu quả tốt khi học theo hệ tín chỉ.
* Về phương pháp học tập:
– Đối với SV, khó nhất của học theo tín chỉ là phải áp dụng phương pháp học tích cực, đó là tự học và học nội dung cốt lõi là chính. Cụ thể, nếu như giờ lý thuyết chủ yếu là nghe, viết và suy ngẫm thì giờ thảo luận phải là nói nhiều và tranh luận. Ưu tiên đặt câu hỏi hơn là trả lời. Tránh đi vào những vấn đề quá sâu, phức tạp và mất nhiều thời gian. Đừng nôn nóng hiểu sâu, hãy hiểu những vấn đề cơ bản trước. SV phải học cách tự đọc tài liệu để hiểu sâu “linh hồn” của từng chương và tiến tới cả học phần. Tự triển khai những vấn đề cụ thể của học phần như giải bài tập, thiết kế, chuẩn bị câu hỏi cho các giờ thảo luận trên lớp, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
– Suy nghĩ, hoạch định kế hoạch học tập chung cho toàn quá trình học Xác định rõ những kĩ năng, những kiến thức cần bổ sung, cần có về kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học liên quan đến chuyên ngành đang học, từ đó dự tính sẽ rèn luyện tất cả những kỹ năng ấy vào học kỳ nào.
– Trước khi đăng kí môn học ở mỗi học kỳ, SV cần xác định rõ sẽ học gì, hoạt động hội nhóm gì và khả năng tài chính của bản thân trong học kỳ đó để đăng kí môn học cho phù hợp.
– Tăng cường giờ học ở nhà và thư viện. Phải học cách tự đọc tài liệu.
– Cần phải có nhóm học tập để cùng nhau đào sâu nghiên cứu và hỗ trợ nhau trong học tập. Tăng cường trao đổi bài theo nhóm. Người biết khi giảng cho người chưa biết sẽ càng giỏi hơn, người chưa biết hỏi người biết sẽ hiểu được vấn đề. (Điểm khác biệt lớn nhất của tín chỉ so với cách học truyền thống là ở chỗ thời lượng sẽ dành nhiều hơn cho thảo luận, làm việc nhóm và tự đọc sách).
* Đăng ký học phần ra sao?
Nhiều SV chỉ biết đăng kí theo bạn bè, dẫn đến trường hợp có học kỳ đăng kí quá nhiều môn lí thuyết, học không nổi và rớt hàng loạt, bù lại, có những học kỳ lại đăng kí quá nhiều môn thực hành, thực tập, dẫn đến trùng lắp khó mà học cho tốt.
Vì vậy, để cho điểm trung bình chung học kỳ không quá thấp thì việc đăng ký học phần ra sao rất quan trọng. Nếu SV có điểm trung bình chung (TBC) tích lũy từ 2,0 trở lên và tích lũy được từ 90-100% tín chỉ theo kế hoạch đào tạo của nhà trường tại thời điểm xem xét thì có thể đăng ký học tất cả các học phần theo thời khóa biểu của nhà trường và thậm chí có thể học vượt. Nếu SV có điểm TBC tích lũy từ 1,6 đến dưới 2,0 và tích lũy được 70-90% số tín chỉ theo kế hoạch đào tạo của nhà trường tại thời điểm xem xét thì nên rút một số học phần và chỉ nên học đến 15 tín chỉ các học phần trong thời khóa biểu của học kỳ đó. Nếu SV có điểm TBC tích lũy dưới 1,6 thì nên đăng ký 10 tín chỉ các học phần theo thời khóa biểu của nhà trường.
Ngoài các học phần đăng ký theo thời khóa biểu học kỳ của nhà trường, SV nên đăng ký học lại hoặc học cải thiện điểm của các học phần học trong các học kỳ trước (những học phần học lại này nếu đạt điểm học phần cao hơn điểm cũ sẽ được tính vào điểm trung bình chung của học kỳ, còn nếu thấp hơn điểm cũ thì SV có thể bảo lưu kết quả). Riêng với SV năm thứ nhất, trong học kỳ đầu tiên không nên học vượt.
Được tự quyết trong việc đăng kí môn học, SV có thể linh động hóa chương trình đào tạo theo đúng khả năng, sở thích và thời khóa biểu riêng, nhờ vậy mà một SV giỏi có thể học vượt chương trình và những SV khó khăn có thêm cơ hội, thời gian để đeo đuổi con đường học tập của mình. Giúp sinh viên hình dung và định lượng ra tất cả các yêu cầu đối với bản thân trong từng giai đoạn cũng như trong suốt quá trình học tập của mình trong nhà trường. Đào tạo theo hệ tín chỉ cũng mang lại cho SV nhiều cơ hội chuyển đổi đơn vị môn học, học thêm văn bằng hai mà không lãng phí thời gian học lại những điều đã biết. Việc lượng hóa kiến thức môn học và qui đổi ra đơn vị tín chỉ cũng giúp cho SV có cái nhìn cự thể hơn những kiến thức mình đang tiếp thu. Ngoài ra, SV có quyền được lựa chọn môn học theo khả năng, hoàn cảnh cụ thể của mình. Thậm chí, nếu ở thời điểm đó sự lựa chọn đó chưa phù hợp thì vẫn còn sự lựa chọn khác là chưa tham gia, giúp sinh viên không bị mất đi những mảng kiến thức và kỹ năng đã tích lũy nếu như việc học của họ bị gián đoạn. Như vậy, sinh viên có thể chuyển đổi từ khoá học này sang khoá học khác trong cùng một hệ thống hay khác hệ thống.
Nghi Quân (hieuhoc_hieuhoc.com).