Sự thành công trong công việc đòi hỏi bạn phải có nhiều mối quan hệ. Quan hệ mang lại cho bạn những cơ hội đặc biệt để mở mang kiến thức và lĩnh vực kinh doanh. Do đó, bạn nên chuẩn bị thật tốt các kỹ năng giao tiếp để tạo dựng một mạng lưới những quan hệ tốt đẹp trong công việc.
Sẽ không ít lần bạn tham gia các triển lãm thương mại, hội chợ việc làm hay các CLB nghề nghiệp. Mọi dịp gặp gỡ này đều có thể trở thành những cơ hội cho một công việc hay một quan hệ làm ăn mới. Điều quan trọng nhất là bạn để lại một ấn tượng tốt cho những người tiếp xúc. Bạn nên theo các bước hướng dẫn sau đây của Career Builder:
Khởi đầu nhẹ nhàng
Bạn nên bắt đầu cuộc trò chuyện một cách tự nhiên với những đề tài về thể thao, phim ảnh, con cái… Đó là những chủ đề mà hầu hết mọi người cùng có mối quan tâm và dễ dẫn dắt câu chuyện. Lý tưởng nhất là tìm được sở thích chung với người mới gặp. Nếu hai bạn cùng thích đi câu cá hay leo núi thì câu chuyện sẽ hào hứng hơn. Đừng bao giờ chạm vào những đề tài nhạy cảm như tôn giáo hay màu da của người trò chuyện cùng bạn.
Đừng ngại hỏi
Trung thực luôn là một phẩm chất tốt. Nếu bạn cảm thấy chưa nhập cuộc với chủ đề của một sự kiện chung, đừng ngại giãi bày với những người khác. “Đây là khái niệm lần đầu tôi nghe thấy, anh có thể giải thích giúp tôi được không”, đừng ngại đặt ra những câu hỏi như vậy. Cách tiếp cận này thường xuyên tạo được sự thông cảm và nâng cao vai trò của người đối diện. Chính bạn đã tạo cơ hội để họ thể hiện những hiểu biết của bản thân.
Biết cách lắng nghe
Người giao tiếp tốt không phải là người nói thay phần người khác mà là người thật sự biết lắng nghe. Một trong những lỗi mà mọi người hay gặp phải khi giao tiếp là nói quá nhiều. Thực ra, bạn nên khơi gợi để người khác nói về họ và chăm chú đến điều mà họ đang nói. Khi người khác nói, họ sẽ cảm thấy thoải mái, còn bạn thì rút ra được nhiều điều cho bản thân từ câu chuyện của người khác.
Để nhận được những câu trả lời tốt, bạn nên hỏi những câu hỏi mở như: “Ý kiến cá nhân của anh về việc này ra sao?”, hay: “Vấn đề này có vẻ rất hay. Anh hãy nói rõ thêm đi”. Khi người khác nói, bạn nên có những cử chỉ để bộc lộ sự quan tâm đến câu chuyện và theo dõi đến tận cuối câu chuyện. Đừng tuỳ tiện ngắt lời để chuyển sang chủ đề khác. Sự chân thành của bạn sẽ được đền đáp bằng sự quý mến và tôn trọng của người tiếp xúc.
Đừng vội vã xét đoán
Nếu bạn nhanh chóng kết luận về một người, công việc hay công ty của họ, bạn có thể đánh mất cơ hội của chính mình. Hãy tôn trọng quan điểm hay bình luận của những người khác dù có thể rất khác với bạn. Mỗi người đều có thể là một cuốn sách hay, đừng bào giờ quên điều đó.
Kết thúc một cách lịch thiệp
Kết thúc một câu chuyện cũng quan trọng và cần sự tế nhị như khi bắt đầu. Bạn nên lựa chọn thời điểm thích hợp và dùng lời lẽ nhã nhặn. Bạn có thể nói: “Đồ ăn có vẻ rất ngon, đã đến lúc chúng ta ngồi vào bàn ăn rồi”. Người đối diện sẽ không cảm thấy hụt hẫng và không thể không hài lòng trước sự lịch sự của bạn.
Tiếp tục theo đuổi mối quan hệ
Sau khi đã tạo được một sự mở đầu thuận lợi, đừng quên trao đổi danh thiếp và bỏ phí mối quan hệ. Tại sao bạn không gọi điện mời ai đó đi ăn sáng hay trao đổi thư từ nếu bạn biết rõ bạn có thể bắt đầu một mối quan hệ công việc mà đôi bên cùng có lợi.
Không ngừng học hỏi
Hãy chú ý tới thế giới xung quanh bạn bằng cách đọc và học nhiều hơn nữa. Đừng lạc hậu với những khái niệm và công nghệ của thời đại. Bề rộng kiến thức sẽ cho phép bạn nói chuyện thông minh với đa dạng các đề tài. Một yêu cầu quan trọng đảm bảo kỹ năng giao tiếp của bạn.
Theo Ngôi Sao